Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Vô va xem phim tươi mát

Vô va yếu sinh lý
Chữa trị mãi không xong
Yêu chỉ được vài hôm

Là bị các cô đá

Trong lúc đang buồn bã
Đi uống rượu giải khuây
Anh được bợm rượu bày:
Hãy xem phim tươi mát

Vôva đến rạp hát
Xem phim được nửa chừng
Thò tay xuống, vui mừng:
Căn bệnh dường đã khỏi

Anh hét lên hồ hởi:
Phim tươi mát - ura!
Ai ngờ có thằng cha
Ngồi cạnh bên cự nự:

Này ông, giữ trật tự
Đừng ồn ào ở đây
Và bỏ ngay cái tay
Ra khỏi quần tôi nhé

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Mái nhà của bạn - Крыша дома твоего


 Мы все спешим за чудесами
Но нет чудесней ничего
Чем та земля под небесами
Где крыша дома твоего

И если вдруг тебе взгрустнётся,
То грусть не значит ничего,
Когда ты знаешь, что под солнцем
Есть крыша дома твоего

Вмиг огорчения любые
Исчезнут все до одного,
Лишь вспомнишь звёзды голубые
Над крышей дома своего

Мир полон радости и счастья,
Но край родной милей всего.
И так прекрасно возвращаться
Под крышу дома своего

Ta mải miết đi tìm điều kỳ diệu
Nhưng
chẳng có gì  kỳ diệu hơn là
Mảnh đất ấy dưới trời xanh bao la
Nơi  mái ấm ngôi nhà của bạn

Và nếu bạn chợt  thấy lòng buồn nản,
Thì nỗi buồn cũng chẳng có là chi,
Khi bạn biết rằng dưới mặt trời kia
Có mái ấm ngôi nhà của bạn

Trong chốc lát mọi ưu tư sầu muộn
Sẽ tan nhanh chẳng còn lại chút nào
Bạn chỉ  còn nhớ đến những vì sao
Xanh  biếc ngự trên mái nhà của bạn.

Thế giới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc
Nhưng mến thương hơn tất cả là quê hương
Và thật tuyệt vời khi được quay trở lại
Ngôi nhà mình dưới mái ấm yêu thương

        LMP dịch

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Ký ức Xoài

Tôi thích trồng cây ăn quả lắm, nhưng khoảng sân phía sau nhà chỉ đủ cho một cây khế nhỏ.
Năm 1995, chúng tôi trồng một cây xoài ngoài vỉa hè, sát sân sau. Vì là cây thực sinh (không phải lai ghép mà mọc lên từ hột) nên cây chậm ra quả. Đã có lúc tôi sốt ruột muốn chặt đi để trồng cây khác nhưng bố và vợ tôi ngăn lại.
Sau 9 năm, cuối cùng cây xoài cũng có trái. Và thật bõ công đợi chờ: trái xoài cát to, rất thơm và ngọt. Từ đấy, chúng tôi có hai vụ xoài bội thu mỗi năm. 




Nhưng cũng từ đấy, mỗi vụ xoài lại đem đến một mối lo nơm nớp: gạch đá bay vào nhà vì bọn ném xoài. Có hôm vợ đi làm về mở cửa ra thấy trong nhà có chiếc guốc lạ, lấm lét truy xét một lúc mới thở phào: chồng mình chả có liên quan gì, chỉ là chiếc guốc của cô nào đó rút ra ném xoài rồi bay luôn vào sân.
Lại có đêm chó bỗng sủa inh ỏi, nhìn ra thấy là lạ: có cặp nam nữ quặp vào nhau đứng trên Honda ! Nhìn kỹ mới thấy hóa ra là họ đang đỡ nhau để nâng cây sào dài chọc lên tán cây tìm quả.


Trong trận bão lịch sử năm 2006 ở Vũng Tàu, cây cối trên đường phố khu vực nhà tôi đổ hết. Đêm nằm nghe gió giật, tôi nghĩ chắc cây xoài và vườn lan cũng đi tong rồi. Nhưng sáng hôm sau khi bão tan mới thật ngạc nhiên: cây xoài vẫn trụ vững và nhờ sự che chở của tán xoài mà cả vườn lan bình an vô sự. 



Năm 2011, các cây xoài gần nhà tôi bỗng khô quắt rồi chết vì sâu bệnh. Chúng tôi rất lo và đã quét vôi, phun thuốc bảo vệ cây xoài nhà mình.
Nhưng rồi Tết 2012 chúng tôi không còn được ăn xoài từ vườn nhà nữa...
Và tôi bỗng thấy lo lắng phập phồng...Cứ linh cảm thấy có điều không may có thể xảy ra. Thế rồi năm ấy, bố tôi đã đột ngột ra đi mãi mãi...
Một hôm, mẹ tôi bảo : "mẹ có trồng được hai cây giống từ hột xoài nhà con, con sang lấy một cây về trồng nhé". Có vẻ như có được hậu duệ của cây xoài ký ức ấy, lòng tôi thanh thản hơn nhiều.
Và giờ đây, những chùm sử quân tử trắng đỏ đã lại đang rung rinh trên vòm lá xoài thẫm xanh như thắp lại trong tôi những ký ức về cây xoài năm xưa với những ngày thương yêu bên bố và bọn trẻ...


Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Tiếng chuông ngân - Малиновый звон



“Tiếng chuông ngân” là một trong những ca khúc thấm đẫm tâm hồn Nga. Mỗi lần hát, tôi như mơ thấy những cánh đồng Nga bát ngát với thấp thoáng bạch dương và tháp chuông nhà thờ.

Tiếng chuông ngân

Dịch thơ: Lưu Minh Phương
Chập chờn trong giấc ngủ mơ
Tôi nghe tiếng chuông thánh thót
Nội cỏ xanh chuông ngân hát
Là thông điệp của rạng đông
Là nước Nga giữa cánh đồng
Hoa thanh lương trà rực đỏ
Là trong miền thân thương đó
Chút gì xao động hồn tôi

Tiếng chuông buổi bình minh ơi
Nói giùm miền quê yêu dấu
Rằng tôi từ ngày thơ ấu
Yêu quê như tiếng chuông này

Tiếng chuông thánh thót vút bay
Từ cửa sổ nhà mẹ đó
Từ ngôi sao ấy trên cao
Từ những ngày qua gian khó
Bụi lấp lánh trên đường nhỏ
Nơi cánh đồng ta lang thang
Nơi bình mình trong giấc ngủ
Tiếng chuông thánh thót ngân vang

Малиновый звон

Cлова А. Поперечного
Сквозь полудрему и сон
слышу малиновый звон
Это рассвета гонцы
в травах звенят бубенцы
это средь русских равнин
вспыхнули гроздья рябин
это в родимой глуши
что-то коснулось души

Малиновый звон на заре
скажи моей милой земле
что я в нее с детства влюблен
как в этот малиновый звон

Этот малиновый звон
от материнских окон
от той высокой звезды
да от минувшей беды
Пыльный затеплится шлях
где мы бродили в полях
где на заре как сквозь сон
слышен малиновый звон










Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Ngày đông ở làng



 Tình cờ tôi lạc vào vườn thơ trên của anh Hoài Khánh, một người không quen, và dừng lặng hồi lâu trước bài thơ Ngày đông ở làng. Sau này tôi mới biết bài thơ này đã đăng trên báo Người Hà Nội số Tết Kỷ Sửu.
Tôi như bị những câu thơ đầu rủ rỉ cuốn vào một câu chuyện:

Làng thức lúc trời tang tảng
Áo thắt dây rơm ra đồng
 
Một cảnh quay được mở ra với những rục rịch vận động mở đầu một ngày mới. Làng thức giấc, nhịp sống đã bắt đầu trong ánh sáng "tang tảng" của một sớm mùa đông lạnh. Không phải cái nhịp sống tưng bừng trong nắng ấm như Trần Đăng Khoa từng viết: Ông trời nổi lửa đằng đông/Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay/Bố em vác điếu đi cày...
"Ngày đông ở làng" khởi đầu trong lặng lẽ hơn. Trong khi cái lạnh mùa đông thường níu con người xuống chăn giường ấm thì công việc đồng áng lại kéo họ dậy. Hình ảnh áo thắt dây rơm đầy chất nông phu lam lũ tuy gợi chút thương cảm cho cuộc đời vất vả "một sương hai nắng" của mẹ cha nhưng đã khắc họa một vẻ đẹp giản dị của những người nông dân chất phác.
Mẹ cha một sương hai nắng
Dẻo tay gầu tát vụ đông
 
Hai từ "vụ đông" được lồng ở đây thật khéo léo như chính sự "dẻo tay" nhịp nhàng tát nước vậy. Không thi vị hóa một cách lãng mạn như "múc ánh trăng vàng" mà là một nhận thức nghiêm túc về trách nhiệm của con người: tát nước là vì cả một vụ mùa hay xa hơn là vì cuộc sống...
Trong nhịp lao động ấy, khung cảnh làng quê dần dần hiện lên rõ nét. Thoạt tiên là cận cảnh nơi cánh đồng đang tát nước:
Thập thò hoa cải đơm ngồng
Ðiếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng
 
Tôi thích sự tinh túy của hai câu thơ này. Cái thập thò của hoa cải đơm ngồng thì đến một bức tranh ba chiều cũng khó mà diễn tả. Nếu Trần Đăng Khoa đã rất tinh tế khi quan sát thấy tiếng rơi của lá mỏng như là rơi nghiêng, Hoài Khánh cũng rất sâu sắc khi vừa quan sát vừa cảm nhận để khắc họa lên một hình ảnh rất đặc trưng, gắn kết với nhà nông : điếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng. Đẹp quá, nên thơ quá! Ngoài nông thôn Việt Nam ra, biết có còn đâu có ?! Anh làm tôi bây giờ yêu quá cái điếu cày của bố, cái điếu cày giúp cho người nông phu sảng khoái hơn trong giờ lao động cực nhọc. Những hình đẹp cũng như chất men làm nghiêng ngả câu thơ, tưởng chừng không chỉ có chiếc điếu cày ngủ nghiêng mà mặt ruộng cũng nghiêng ngả trong men thuốc. Cặp hình ảnh hoa cải ngồng với điếu cày ngủ nghiêng xem ra còn mang cả một vẻ đẹp "phồn thực" đáng yêu .
Và đáng yêu nữa là hình ảnh :

Bếp hồng lửa nhen khoai nướng
Ấm lòng bầy trẻ đến trường
 
Ký ức tuổi thơ chợt ùa về trong tôi. Tưởng còn thấy hơi ấm rát mặt từ bếp lửa hồng và mùi thơm khoai nướng. Nhìn lại hình ảnh những người đang miệt mài tát cả vụ đông cho lũ trẻ được cắp sách đến trường, ta cảm nhận được vẻ đẹp bình dị từ cuộc sống còn đạm bạc, đơn sơ nhưng rất ấm cúng và đang vận động đến tương lai.
Sau những phác họa về con người, chủ thể làm lên sự vận động của "ngày đông ở làng", là những chấm phá về cảnh vật làng quê thơ mộng:

Lá vàng thả gió xuống đường
Gà gáy tan dần buốt giá
Chú mèo xem chừng khoái trá
Nằm khoèo dưới gốc cây rơm
Táo vườn nưng nức hương thơm
Bắp cải cuộn tròn mắt lá...
 
Người ta thường nói gió thả là vàng, nhưng ở đây nhà thơ lại cho lá vàng thả gió xuống đường. Ừ, ngẫm ra, gió thả là vàng thì chỉ là một hiện tượng thiên nhiên thôi, lá vàng thả gió mới thật là tình tứ. Cộng với tiếng gà gáy tan buốt giá, ta thấy dường như không chỉ có con người đang vượt lên khắc phục thiên nhiên. Ngày đông ở làng không thể thiếu những nét ấy, không thể thiếu cây lá, thiếu gió, thiếu tiếng gà gáy, thiếu chú mèo cuộn tròn bên gốc cây rơm, thiếu hương thơm nưng nức của vườn rau trái... Các hình ảnh tạo nên bức tranh làng quê đều rất chọn lọc và đậm hương quê. Mỗi hình ảnh là một quan sát tinh tế bằng mắt, bằng tay, bằng trái tim nên có cả màu sắc, hình khối, âm thanh và được lồng kết, đan chen những cảm nhận. Phải là người rất gắn bó, rất có tình với ruộng vườn mới viết được những dòng thơ chân quê đến thế.
Cái tình ấy là tình quê ấm nồng như bếp lửa nướng khoai, âm vang như tiếng gà báo sáng, thơm nức như hương cây trái trong vườn. Cái tình ấy là tình người trẻ trung, rạo rực, ủ trong rơm rạ để sưởi ấm cả mùa đông cho thức dậy những mầm xuân: 

Làng em ủ tình rơm rạ
Ngày nào cũng thể sang xuân.
 
Đúng là dưới con mắt của thi sĩ hình ảnh nào cũng duyên dáng đượm tình: ngồng cải với điếu cày, lá cây với gió, củ khoai và bếp lửa, chú mèo với cây rơm... Bài thơ khép lại trong tình quê tự nhiên, trong lành, khỏe khoắn. Hơi lạnh mùa đông đã tan đi, ta hứng khởi trong không khí của ngày xuân ấm áp, rộn rã.
Đọc bài thơ của anh vào buổi sớm đầu xuân, tôi bỗng thấy sảng khoái, lòng khỏe nhẹ "như cày xong thửa ruộng". Cám ơn thi sĩ của đồng quê!
Làng thức lúc trời tang tảng
Áo thắt dây rơm ra đồng
Mẹ cha một sương hai nắng
Dẻo tay gầu tát vụ đông

Thập thò hoa cải đơm ngồng
Ðiếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng
Bếp hồng lửa nhen khoai nướng
Ấm lòng bầy trẻ đến trường

Lá vàng thả gió xuống đường
Gà gáy tan dần buốt giá
Chú mèo xem chừng khoái trá
Nằm khoèo dưới gốc cây rơm

Táo vườn nưng nức hương thơm
Bắp cải cuộn tròn mắt lá
Làng em ủ tình rơm rạ
Ngày nào cũng thể sang xuân.

(Tác giả HOÀI KHÁNH)