Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Ngày đông ở làng



 Tình cờ tôi lạc vào vườn thơ trên của anh Hoài Khánh, một người không quen, và dừng lặng hồi lâu trước bài thơ Ngày đông ở làng. Sau này tôi mới biết bài thơ này đã đăng trên báo Người Hà Nội số Tết Kỷ Sửu.
Tôi như bị những câu thơ đầu rủ rỉ cuốn vào một câu chuyện:

Làng thức lúc trời tang tảng
Áo thắt dây rơm ra đồng
 
Một cảnh quay được mở ra với những rục rịch vận động mở đầu một ngày mới. Làng thức giấc, nhịp sống đã bắt đầu trong ánh sáng "tang tảng" của một sớm mùa đông lạnh. Không phải cái nhịp sống tưng bừng trong nắng ấm như Trần Đăng Khoa từng viết: Ông trời nổi lửa đằng đông/Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay/Bố em vác điếu đi cày...
"Ngày đông ở làng" khởi đầu trong lặng lẽ hơn. Trong khi cái lạnh mùa đông thường níu con người xuống chăn giường ấm thì công việc đồng áng lại kéo họ dậy. Hình ảnh áo thắt dây rơm đầy chất nông phu lam lũ tuy gợi chút thương cảm cho cuộc đời vất vả "một sương hai nắng" của mẹ cha nhưng đã khắc họa một vẻ đẹp giản dị của những người nông dân chất phác.
Mẹ cha một sương hai nắng
Dẻo tay gầu tát vụ đông
 
Hai từ "vụ đông" được lồng ở đây thật khéo léo như chính sự "dẻo tay" nhịp nhàng tát nước vậy. Không thi vị hóa một cách lãng mạn như "múc ánh trăng vàng" mà là một nhận thức nghiêm túc về trách nhiệm của con người: tát nước là vì cả một vụ mùa hay xa hơn là vì cuộc sống...
Trong nhịp lao động ấy, khung cảnh làng quê dần dần hiện lên rõ nét. Thoạt tiên là cận cảnh nơi cánh đồng đang tát nước:
Thập thò hoa cải đơm ngồng
Ðiếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng
 
Tôi thích sự tinh túy của hai câu thơ này. Cái thập thò của hoa cải đơm ngồng thì đến một bức tranh ba chiều cũng khó mà diễn tả. Nếu Trần Đăng Khoa đã rất tinh tế khi quan sát thấy tiếng rơi của lá mỏng như là rơi nghiêng, Hoài Khánh cũng rất sâu sắc khi vừa quan sát vừa cảm nhận để khắc họa lên một hình ảnh rất đặc trưng, gắn kết với nhà nông : điếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng. Đẹp quá, nên thơ quá! Ngoài nông thôn Việt Nam ra, biết có còn đâu có ?! Anh làm tôi bây giờ yêu quá cái điếu cày của bố, cái điếu cày giúp cho người nông phu sảng khoái hơn trong giờ lao động cực nhọc. Những hình đẹp cũng như chất men làm nghiêng ngả câu thơ, tưởng chừng không chỉ có chiếc điếu cày ngủ nghiêng mà mặt ruộng cũng nghiêng ngả trong men thuốc. Cặp hình ảnh hoa cải ngồng với điếu cày ngủ nghiêng xem ra còn mang cả một vẻ đẹp "phồn thực" đáng yêu .
Và đáng yêu nữa là hình ảnh :

Bếp hồng lửa nhen khoai nướng
Ấm lòng bầy trẻ đến trường
 
Ký ức tuổi thơ chợt ùa về trong tôi. Tưởng còn thấy hơi ấm rát mặt từ bếp lửa hồng và mùi thơm khoai nướng. Nhìn lại hình ảnh những người đang miệt mài tát cả vụ đông cho lũ trẻ được cắp sách đến trường, ta cảm nhận được vẻ đẹp bình dị từ cuộc sống còn đạm bạc, đơn sơ nhưng rất ấm cúng và đang vận động đến tương lai.
Sau những phác họa về con người, chủ thể làm lên sự vận động của "ngày đông ở làng", là những chấm phá về cảnh vật làng quê thơ mộng:

Lá vàng thả gió xuống đường
Gà gáy tan dần buốt giá
Chú mèo xem chừng khoái trá
Nằm khoèo dưới gốc cây rơm
Táo vườn nưng nức hương thơm
Bắp cải cuộn tròn mắt lá...
 
Người ta thường nói gió thả là vàng, nhưng ở đây nhà thơ lại cho lá vàng thả gió xuống đường. Ừ, ngẫm ra, gió thả là vàng thì chỉ là một hiện tượng thiên nhiên thôi, lá vàng thả gió mới thật là tình tứ. Cộng với tiếng gà gáy tan buốt giá, ta thấy dường như không chỉ có con người đang vượt lên khắc phục thiên nhiên. Ngày đông ở làng không thể thiếu những nét ấy, không thể thiếu cây lá, thiếu gió, thiếu tiếng gà gáy, thiếu chú mèo cuộn tròn bên gốc cây rơm, thiếu hương thơm nưng nức của vườn rau trái... Các hình ảnh tạo nên bức tranh làng quê đều rất chọn lọc và đậm hương quê. Mỗi hình ảnh là một quan sát tinh tế bằng mắt, bằng tay, bằng trái tim nên có cả màu sắc, hình khối, âm thanh và được lồng kết, đan chen những cảm nhận. Phải là người rất gắn bó, rất có tình với ruộng vườn mới viết được những dòng thơ chân quê đến thế.
Cái tình ấy là tình quê ấm nồng như bếp lửa nướng khoai, âm vang như tiếng gà báo sáng, thơm nức như hương cây trái trong vườn. Cái tình ấy là tình người trẻ trung, rạo rực, ủ trong rơm rạ để sưởi ấm cả mùa đông cho thức dậy những mầm xuân: 

Làng em ủ tình rơm rạ
Ngày nào cũng thể sang xuân.
 
Đúng là dưới con mắt của thi sĩ hình ảnh nào cũng duyên dáng đượm tình: ngồng cải với điếu cày, lá cây với gió, củ khoai và bếp lửa, chú mèo với cây rơm... Bài thơ khép lại trong tình quê tự nhiên, trong lành, khỏe khoắn. Hơi lạnh mùa đông đã tan đi, ta hứng khởi trong không khí của ngày xuân ấm áp, rộn rã.
Đọc bài thơ của anh vào buổi sớm đầu xuân, tôi bỗng thấy sảng khoái, lòng khỏe nhẹ "như cày xong thửa ruộng". Cám ơn thi sĩ của đồng quê!
Làng thức lúc trời tang tảng
Áo thắt dây rơm ra đồng
Mẹ cha một sương hai nắng
Dẻo tay gầu tát vụ đông

Thập thò hoa cải đơm ngồng
Ðiếu cày ngủ nghiêng mặt ruộng
Bếp hồng lửa nhen khoai nướng
Ấm lòng bầy trẻ đến trường

Lá vàng thả gió xuống đường
Gà gáy tan dần buốt giá
Chú mèo xem chừng khoái trá
Nằm khoèo dưới gốc cây rơm

Táo vườn nưng nức hương thơm
Bắp cải cuộn tròn mắt lá
Làng em ủ tình rơm rạ
Ngày nào cũng thể sang xuân.

(Tác giả HOÀI KHÁNH)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét