Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Thầy giáo ngày còn nhỏ - Dương Thuấn

Có lần, rất bất ngờ, nhà thơ miền cao Dương Thuấn đề nghị tôi – lúc đó còn chưa biết anh- bình bài thơ “THẦY GIÁO NGÀY CÒN NHỎ” của anh trên diễn đàn khoa Tiếng Nước Ngoài Đại Học Tổng hợp Hà nội. Sau khi đọc bài bình thơ của tôi, nhà thơ đã gửi một số tin nhắn bày tỏ sự hài lòng và xúc động. Sau này khi lang thang trên mạng, tôi thấy anh có giới thiệu bài bình thơ này trên trang của anh.
Hôm nay nhân sinh nhật anh, tôi xin đăng lại bài thơ ấy và lời bình để chia sẻ với cộng đồng, cũng là để thay một lời chúc cho ngày sinh nhật của anh thêm ý vị.
“ Thoạt đọc nhan đề “THẦY GIÁO NGÀY CÒN NHỎ”, tôi lại tưởng nhà thơ Dương Thuấn viết về thời ấu thơ của một thầy giáo.
Bài thơ giản dị như một câu chuyện kể đời thường giản dị. Đó là những hồi tưởng về những năm đầu đi học với những thầy giáo bị khuyết tật. Thoạt nghe qua, có cảm tưởng như nhà thơ đùa cợt với các khuyết tật ấy một cách hơi tàn nhẫn:

Năm đầu vào lớp một
Học một thầy nặng tai
Khi trả lời câu hỏi
Đúng, thầy thường vặn sai

Học sinh lớp một mà dám chắc lúc nào mình cũng đúng, thầy cũng sai? Nếu thầy giáo không may bị nặng tai thật, có thể viết thế này sẽ tế nhị hơn:
Khi trả lời câu hỏi
Thầy bắt nhắc lại hoài.

Với hình ảnh của thầy giáo lớp 2, dường như sự đùa ác vẫn chọc thẳng vào nỗi đau của người khuyết tật:
Rồi khi lên lớp hai
Học một thầy chân thọt
Lên lớp thầy chỉ ngồi
Đọc cho học sinh chép

Lối kể “rồi khi lên lớp” lặp lại liên tiếp trong các khổ thơ có vẻ như gây cảm giác đơn điệu, buồn tẻ. Sao nhà thơ không thay đổi cho đỡ nhàm chán, chẳng hạn “ Đến năm học lớp bốn”…Và nội dung chuyện kể hầu như vẫn chỉ là về một thầy giáo bị khuyết tật thôi, dù là một khuyết tật khác.
Bốn khổ thơ, bốn năm học liên tiếp, bốn thầy giáo bị khuyết tật ! Người đọc muốn kêu lên: thôi đủ rồi, đừng kể thêm nữa, làm gì có chuyện đó, anh cố tình sắp đặt một cách tàn nhẫn! Xin đừng đùa cợt trên nỗi đau của người vốn dĩ đã bất hạnh!
Nhưng không, nhà thơ không đùa cợt tàn nhẫn với những người thầy của mình. Anh khẳng định:

Bốn năm học bốn lớp
Tôi đều học sinh giỏi
Bốn thầy dạy đều hay
Thầy nào cũng khuyết tật

Giả sử bài thơ dừng ở đây, chắc hẳn tác giả chỉ muốn dừng ở đề tài “ những người khuyết tật nếu cố gắng làm việc vẫn là những người có ích cho xã hội”. Nhưng vấn đề là bài thơ không dừng ở đó. Chỉ đến khổ thơ cuối, khi sự đơn điệu tưởng như đã đến cực cùng, cái nút thắt mới được bung ra:
 
Mẹ tôi bảo tôi biết
Đất nước có chiến tranh
Bao đàn ông lành lặn
Đều tuyển vào bộ binh…

Đến đây thì chủ đề tư tưởng của bài thơ hiện hình. Lời của mẹ bình dị, hiển nhiên như một chân lý cho thời của chiến tranh. Khi chiến tranh thì những người trai lành lặn phải ra chiến trường làm nghĩa vụ. Điều ấy cũng bình thường thôi, có khác chăng là nó được đặt dưới những khổ thơ trên như một lời giải thích xót xa cho những lớp học vì sao toàn các thầy giáo khuyết tật. Và đến đây, nhìn lại những khổ thơ đơn điệu tưởng chừng khô khốc và tàn nhẫn bên trên, ta mới hiểu thực chất đó là những dữ kiện của một bản án cho những cuộc chiến tranh. Những bực bội, chua xót đã dồn chất qua từng khổ thơ trên bây giờ chuyển sang một cảm giác ngậm ngùi, chua chát. Chua chát bởi chiến tranh thì cũng chính do con người gây ra. Chiến tranh đã mang đi của phố phường, làng quê những người con khỏe mạnh. Chỉ còn lại người già, lũ trẻ với những người vì tàn tật không thể bồng súng ra chiến trường.
Lại nhớ đến chuyện Tái Ông Thất Mã, đứa con trai vì ngã ngựa què chân nên không phải đi lính lại thành ra may mắn. Đúng là đời có những cái may mắn thật mai mỉa! Mà chung quy cũng do con người mà thôi. Chiến tranh là do con người gây ra, con người cướp đi hạnh phúc của con người. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những câu văn lên án mọi cuộc chiến tranh của Lê Thị Hiệu trong “Côn Trùng”…
Thực tế, có thể tác giả đã từng học những thầy giáo bị dị tật, và có thể là không phải bốn lớp liên tiếp với bốn thầy như trên. Cách sắp đặt cố tình đó bằng một giọng kể mộc mạc gần như không đổi , cái mộc mạc đáng yêu thường thấy của người miền cao chỉ để nhấn mạnh rằng: ở hậu phương chỉ còn độc những người trai khuyết tật thôi, tuyệt không còn người trai lành lặn. Chiến tranh tàn nhẫn đã mang họ đi rồi.
Bằng cách đó, nhà thơ đã dồn nén tình cảm độc giả trong những khổ thơ đầu để rồi khi sự dồn nén lên đến cao độ như một mũi tên đã căng dây thì chuyển hướng cho mũi tến ấy nhắm vào, bắn vào cái đích là chiến tranh. Có nhiều cách để lên án chiến tranh mà không cần hô khẩu hiệu màu mè, cũng không cần làm chiến tranh phải hiện hình. Tôi nhớ đến bộ phim “Bến đợi” với hai người đàn bà vò võ đợi chồng qua hai cuộc chiến…
Bài thơ này làm tôi nhớ đến một bài thơ khác cùng tác giả Dương Thuấn.
BÀN TAY TỰ THÚ
Cha hay dùng một tay
Nhấc lên vai cưỡi ngựa
Có một lần con hỏi
Tay kia của cha đâu
Cha nghĩ một lúc lâu
Rồi thì thầm nói nhỏ:
- Năm xưa khi ra trận
Cha đã chặt đi rồi...
- Sao lại thế cha ơi
Cái bàn tay đẹp quý?
Cha nói rằng ngày đó
Vì yêu mẹ của con
Nên cha chặt tay luôn
Để khỏi ra mặt trận...
Ôi cái bàn tay phải
Có ngón trỏ bóp cò...
Lại có những người vốn chẳng tật nguyền mà tự làm cho mình phải tật nguyền để trốn khỏi vòng xoáy của chiến tranh. Họ có thể bị coi là hèn nhát ư? Những kẻ dám chặt tay mình không hẳn là hèn nhát. Họ có thể bị coi là ích kỷ, đặt tình yêu cá nhân lên trên vận mệnh của dân tộc? Biết làm sao được, tạo hóa ban cho con người tình yêu, chỉ có con người tự cướp đi tình yêu của con người.
Ở vào những năm trước và ngay sau chiến tranh, chắc hẳn những bài thơ này của Dương Thuấn sẽ bị phê tơi tả vì bi lụy hóa chiến tranh, giống như Vòng Trắng của Phạm Tiến Duật vậy. Đúng là có những thời điểm khi dân tộc đang bước vào cuộc chiến vì vận mệnh của mình thì người ta cũng phải nén lại những tình cảm thường nhật để vững vàng đi vào và vượt qua cuộc chiến. Và khi chiến tranh đã xa, người ta có quyền hồi tưởng để lên án chiến tranh như nó đáng phải lên án. Để có thể tránh chiến tranh bằng mọi giá. Âu cũng là tư tưởng nhân văn của muôn đời.
Tôi cũng từng trải qua những năm tháng sống ở miền quê dưới bom đạn chiến tranh. Giờ đọc anh Dương Thuấn, chợt nhớ lại một bài vè nói ngược ngày ấy mà giật mình:

Thằng lác lái máy bay
Cụt tay đào hầm
Thằng câm gọi điện
Thằng điếc nghe đài
Thằng mù đọc báo…

Ngày bé thì vừa đọc vừa cười vì nghĩ có thể đây thuần túy chỉ là cách nói ngược vô tư, nghịch ngợm. Nhưng đọc bài thơ của Dương Thuấn rồi mới chợt nghi nghi: phải chăng bài vè trên như đồng dao, sấm ký vận vào vận mệnh của những dân tộc phải nếm trải sự tàn phá khắc nghiệt của chiến tranh?
Và nụ cười của tôi như méo đi chua chát….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét