Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Triệu bông hồng đỏ thắm - Миллион алых роз

CÓ PHẢI LÀ ĐẠO NHẠC?
Trên một số trang Web của Nga, Latvia, Nhật…người ta rì rầm rằng “ người Nga đã đánh cắp bài hát hát “ Triệu bông hồng đỏ thắm” của Latvia.
Đúng là trước khi Alla Pugacheva hát bài này, bảng vàng ghi danh những người đăng quang tại liên hoan ca nhạc hàng năm tại Latvia năm 1981 đã có tên ca sỹ Aija Kukule và cô bé Liga Kreicberga với bài hát bằng tiếng Latvia có tựa đề «Nàng tiên Marina tặng cô bé cuộc sống». Chúng ta hãy thử lắng nghe giai điệu bài hát đoạt giải này. 



 Đúng là giai điệu của “ Triệu bông hồng đỏ thắm” thân quen rồi, nhưng ca từ bằng tiếng Latvia lại chẳng có gì liên quan đến hoa hồng và họa sỹ cả. Lời bài hát dựa trên một truyền thuyết của Latvia về một cô bé đã được một nàng tiên ban tặng cuộc sống, sắc đẹp, trí thông minh, lòng nhân hậu, nhưng vì vội vàng mà nàng tiên quên ban tặng cho cô bé hạnh phúc…Đó là bài hát của thời ấu thơ cô bé được nghe mẹ hát và sau này cô đã hát lại cho con mình nghe. Giai điệu bài hát buồn đến nao lòng, nhất là khi nghe cô bé hát đoạn điệp khúc.

Một nữ ca sỹ nổi tiếng của Latvia là Larisa Mondrus cũng tự khẳng định và được thừa nhận là người đầu tiên hát bài ca Latvia ấy .
 Như vậy, chẳng lẽ những tin đồn về việc người Nga đạo nhạc là thật?
Xin khẳng định ngay là không có chuyện đạo nhạc ở đây. Soạn giả của bài hát, nhạc sỹ lừng danh Raimond Pauls là một người Latvia. Sau khi thành công ở Latvia, khi ấy còn thuộc Liên Xô, bài hát này đã được chuyển ngữ sang tiếng Nga thành “Triệu bông hồng đỏ thắm”.
Chính nhạc sỹ Raimond Pauls cho biết, thoạt đầu, Alla Pugacheva chê bài hát này và từ chối hát . Nhưng rồi, thành công của Alla với bài hát này đã mang “Triệu bông hồng đỏ thắm” bay đi khắp năm châu. 
 HỌA SỸ CÓ BÁN MÁU ?
Lời Việt cho bài hát này có một vài phương án đều có thể chấp nhận được dù một đôi chỗ chưa chuyển tải hết nội dung của bản gốc. Và đặc biệt có một chỗ gây tranh cãi:

Và ngôi nhà xinh anh đã bán
Cả dòng máu nóng trái tim mình


Thực ra, trong bản gốc không có gì liên quan đến “máu” cả. Có lẽ người dịch đã nhầm từ кров là “mái nhà/ chốn nương thân” với từ кровь là “máu” trong câu nguyên bản là : “Chàng họa sỹ bèn bán nhà, bán cả các tranh vẽ và chốn nương thân”. Thực ra “nhà” và “chốn nương thân” chỉ khác nhau là một từ dùng nghĩa cụ thể, một từ dùng nghĩa trừu tượng. 
Từ "кров" ở đây là chỉ  quán sữa và phòng trọ, nơi họa sỹ dùng làm xưởng vẽ tranh để kiếm sống. Tức là bán hết cả nhà, cả nơi nương náu, cả phương tiện kiếm sống.
Với câu gốc  “Quảng trường tràn ngập hoa”, lời bài hát là “quảng trường nhà em hoa rực rỡ”.  Trong phạm vi lời bài hát này, cô ca sỹ có lẽ là người từ nơi khác đến biểu diễn chứ không có nhà ở đó. Nếu họ ở cùng địa phương, chắc đã không có đoạn “ Cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi, ban đêm tàu chở cô đi” (vậy nên càng không thể có cảnh " mỗi sáng sớm bên song thưa em bên hoa cười trong nắng ").
Vẫn biết lời dịch bài hát cũng chỉ tương đối thôi, nhưng thực ra, nếu cố gắng hơn ta vẫn có thể cho ra một lời dịch đúng nhạc điệu, vẫn chuẩn xác để không gây ngộ nhận. Thí dụ, câu “quảng trường nhà em hoa rực rỡ” có thể hát là “quảng trường ngoài kia hoa rực rỡ” hay “quảng trường ngập hoa tươi rực rỡ”.
Dưới đây là bản dịch ra thơ của tôi với cố gắng dịch thật trung thành nội dung bản gốc.
 








alt


Không phải là phổ nhạc
Như đã viết ở bài trước, “Triệu bông hồng đỏ thắm” có xuất xứ từ một bài hát Latvia. So với tiếng Nga thì tiếng Latvia không phải là một ngôn ngữ phổ biến, do đó trước khi xuất hiện với lời tiếng Nga, bài hát gần như chỉ đóng khung trong biên giới quốc gia nhỏ bé này.
Trên báo chí hay các trang web, người ta thường viết rằng nhạc sỹ Raimond Pauls đã phổ nhạc “Triệu bông hồng đỏ thắm” từ thơ của Andrey Vosnesensky. Nhưng phổ nhạc là khi nhạc sỹ viết nhạc dựa vào lời thơ có sẵn, còn với bài hát này, nhạc đã có trước thơ thì sao lại nói là phổ nhạc? Chính xác phải là Vosnesensky đã viết lời Nga cho giai điệu của  bài hát đã có. Tôi xin dịch nguyên văn lời của chính nhạc sỹ nói về xuất xứ bài hát từ  nguồn này:
"- Bài hát “Triệu bông hồng đỏ thắm”  (ban đầu) thực ra không phải về anh họa sỹ nghèo, mà về một cô bé thưở ấu thơ được nghe mẹ hát một khúc hát, sau này khi lớn lên cô đã hát tặng con gái mình giai điệu này. Lúc đầu tôi viết bằng tiếng Latvia. Chỉ sau này, Andrei Voznesensky nghe giai điệu này đã viết lời theo phương án của mình, sau khi nhớ lại một truyền thuyết đẹp về tình yêu của một anh họa sỹ".
Những nguyên mẫu của bài hát
Pauls nói đó là “một truyền thuyết tình yêu” nhưng đó lại là một câu chuyện có thật xảy ra ở xứ Gruzia. Và đây chính là những nguyên mẫu của anh họa sỹ và nàng ca sỹ trong bài hát "Triệu bông hồng đỏ thắm".
Họa sỹ Niko Pirosmani (1862- 1918), ảnh năm 1916                       Ca sỹ- vũ nữ Margarita, người Pháp 
Rất nhiều người hâm mộ “Triệu bông hồng đỏ thắm” đã thất vọng khi thấy nguyên mẫu cô ca sỹ không đẹp như mường tượng. Nhưng đây chính là bức họa nàng ca sỹ  trong bài hát  do họa sỹ nghèo Niko Pirosmani thực hiện. Niko là một danh họa tự học người Gruzia vẽ theo trường phái nguyên sơ.
Những bông hồng màu gì?
Bức tranh Margarita trên đây được cho là nguồn cảm hứng cho Vosnesenky tìm lời cho “ Triệu bông hồng đỏ thắm”. Nhưng nhiều người cho rằng nhà thơ đã nhầm : những bông hồng trong tay cô ca sỹ không có màu đỏ mà là hồng trắng.
Một số người khác cho rằng nguồn cảm hứng cho lời hát “ Triệu bông hồng đỏ thắm” được lấy từ truyện “Tấm vải sơn dầu thường” của Paustovsky viết về mối tình của họa sỹ Niki Pirosmani với Margarita. Theo mô tả của Paustovsky, chàng họa sỹ đã nghèo đã thuê rất nhiều xe ngựa chở hoa đến tặng Margarita, nhưng đó gần như là tất cả các loài hoa của xứ sở Gruzia: có đinh tử hương, táo gai, thu hải đường, kim ngân, huệ, anh túc, sen đá, thược dược….và tất nhiên là hồng, “những bông hồng đủ mọi kích cỡ, đủ mọi hương thơm, đủ mọi sắc màu – từ đen đến trắng và từ vàng đến phơn phớt hồng tựa như nắng ban mai”.
Paustovsky cũng viết ở cuối truyện “ Chuyện tình của Pirosmani được kể theo nhiều cách khác nhau. Tôi chỉ kể lại một trong những trong những câu chuyện ấy”.
Theo tôi, Vosnesenky không nhầm khi viết “những bông hồng đỏ thắm”. Câu chuyện tình có thật ấy được kể theo nhiều cách khác nhau với nhiều chi tiết khác nhau. Các sáng tác từ nguồn cảm hứng ấy chỉ mang tính ước lệ và màu đỏ thắm càng làm nồng thắm thêm mối tình của người họa sỹ.
Câu chuyện tình yêu
Cậu bé Niko mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi, phải đi ở cho một gia đình khá giả. Năm 25 tuổi, Niko cầu hôn người chị nuôi tên Elisabet, một góa phụ tuổi 40 và bị chối từ.
Sau 3 năm làm nhân viên hỏa xa, bị sa thải vì thường xuyên bỏ việc chủ yếu do nghiện rượu, ông mở một quán bán sữa rồi dành dụm tiền xây cho chị gái một ngôi nhà ở quê (nay là viện bảo tàng của danh họa). Mọi mai mối tìm vợ cho ông đều vô ích vì ông không muốn lấy vợ : “ Tôi cóc cần vợ con. Trong đầu tôi chỉ có : rót đi! Uống đi!”
Phần sau của câu chuyện tình giữa hai người được kể theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều truyền tụng chuyện chàng họa sỹ đã tặng cô ca sỹ rất nhiều hoa để sau đó vài ngày, cô ca sỹ lên tàu đi cùng một người giàu có và không bao giờ trở lại. Tiền đâu để chàng họa sỹ nghèo mua nhiều hoa thế? Nghe nói, chàng đã bán nhà và cả quán sữa của mình để từ ấy sống trong cùng kiệt, đến nỗi bè bạn gọi Niko là “người may áo không cần túi”!
Cũng có truyện kể rằng, Margarita đã viết giấy nhắn Niko đến gặp và mọi người đã tìm thấy anh trong tình trạng say mềm. Khi Niko tỉnh rượu đến khách sạn thì Margarita đã đi rồi. Thú thực tôi không tin những đoạn đàm thoại trong truyện của của Paustovsky, vì tôi nghĩ chắc Niko không biết tiếng Pháp mà Margarita cũng chẳng nói được tiếng Gruzia để họ có thể hiểu nhau. Với người họa sỹ lãng tử và bất cần đời ấy, có lẽ được bày tỏ tình yêu vô bờ của mình như thế cũng là đủ.
Họa sỹ sống đời cô lẻ
Trải qua bao nỗi gian lao
Nhưng trong đời chàng từng có
Một quảng trường hoa thưở nào!
Năm 1969, bảo tàng Louvre tổ chức triển lãm tranh theo trường phái nguyên sơ của Niko Pirosmani, các nhân viên bảo tàng khẳng định có một cụ bà thường đến ngắm bức Margarita và khóc. Họ cũng nói bà đã nhận mình là cô gái trong bức tranh kia.
Tôi còn muốn viết thêm nhiều điều về những bức tranh của chàng họa sỹ Niko, những bức tranh được vẽ trên những tấm vải sơn dầu rẻ tiền, nhưng đó lại là một chủ đề vượt hơi xa phạm vi bài hát “ Triệu bông hồng đỏ thắm” mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Xin hẹn một bài viết khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét