Thằng Bờm có cái quạt mo Phú ông gạn đổi ba bò chín trâu Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu Phú ông gạn đổi ao sâu cá mè Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè Phú ông gạn đổi một bè gỗ lim Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim Phú ông gạn đổi con chim đồi mồi Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi Phú ông gạn đổi nắm xôi...Bờm cười |
Trong
nhiều bài phân tích bài đồng dao này, người ta ngợi ca Bờm là thông
minh, tỉnh táo, hóm hỉnh, bản lĩnh như một đại diện cho giai cấp nông
dân. Chúng ta hãy xem cuộc mặc cả giữa Phú Ông với Bờm được phân tích
"hay" đến đâu nhé:
"Rõ ràng là qua cách đổi thay vật trao đổi,
Phú ông vừa tiếp thị văn hóa, vừa nâng cấp thân phận của Bờm. Lúc
đầu Bờm chỉ được Phú ông coi là kẻ vai u thịt bắp, cày ruộng chăn bò hay là kẻ
lái trâu, sau đó Bờm được coi như con người, đã đến lúc lo việc xây dựng cơ
ngơi, rồi lại nâng cấp Bờm lên con người biết ăn chơi đài các như ai, và
cuối cùng mức cao nhất là nâng Bờm lên một người ăn thức ăn thanh
cảnh trong lễ Tết. Lôgic cư xử của Phú ông là ngày càng tỏ ra coi trọng
Bờm, lịch sự với Bờm, đặt Bờm xa dần những tương quan vật chất thô lậu để đưa
Bờm vào cương vị quý tộc có chim đồi mồi và biết quý nắm xôi hơn cả trâu
bò, nhà cửa. Nghĩa là, bằng sự mặc cả theo lôgic nâng cấp thân phận, nâng cấp
giá trị văn hóa đó, Phú ông đã giải phóng Bờm khỏi thân phận nông dân trong
các quan hệ kinh tế sản xuất để đưa Bờm vào không gian văn hóa, môi trường giá
trị văn hóa"( Tác giả : Nguyễn Minh Tuấn).
Cái quạt mo cũng được nâng đến tầm "siêu
giá trị", là " biểu tượng của nhân vật Bờm, bản ngã văn hóa của
Bờm" và "bài đồng dao đã ngợi ca đức thủy chung tình nghĩa của
con người đối với đồ vật của mình..."
Nụ cười của Bờm thì được coi như "nụ cười bí hiểm" của nàng Mona Lisa hay tượng đá Bayon và được cắt nghĩa là "nụ cười nước đôi" bản lĩnh.
Ô,
thế thì Bờm khôn quá. Vậy nhưng nếu Bờm khôn thì bài đồng dao chẳng gây
cười được nữa. Vậy mà bọn trẻ chúng tôi đã từng đọc ông ổng để rồi òa
lên cười vô tư...
Văn
học dân gian thường cho ra những nhân vật khôi hài có những hành động
khác thường gây cười, xuất phát từ kiểu tư duy có phần ngô ngố, đặc biệt
cuốn hút trẻ em.
Nước
ngoài có chàng Ngốc trong chuyện cổ Grim, "thường bị khinh rẻ chế giễu
và làm việc gì cũng bị gạt ra". Ta thì có thằng Bờm, thằng Cuội, thằng
Mõ.... Khi là nhân vật chính, khi chỉ sắm vai phụ, nhưng những nhân vật
này luôn đứng cùng tuyến với người nông dân và luôn được bênh vực trong
những cuộc đối đầu với kẻ mạnh hơn mà gian tham, lừa lọc. Vì thế mà
chúng ta thường được chứng kiến những cảnh "châu chấu đá xe" với kết
thúc có hậu thuộc về kẻ yếu. Tính hài hước, trào lộng thường nằm ở cái
cách mà kẻ yếu thắng kẻ mạnh. Sói luôn thua thỏ, mèo luôn bị chuột chơi
những vố đau (Hãy đợi đấy, Tôm và Jerry). Cuội láu cá nên
thường được chọn để trị mấy lão trọc phú. Lần nào đối đầu, Cuội cũng
thắng nên ta chẳng có gì phải lo cho Cuội cả. Còn Bờm thì hơi ngố. Vậy
liệu phú ông có lừa được Bờm không?
Phú ông đã bắt đầu cuộc mặc cả từ những thứ nghe to tát vì lão định bịp trẻ con. Và Bờm cứ nguây nguẩy từ chối chẳng phải là Bờm quá khôn, quá hiểu Phú Ông đâu, chẳng qua là Bờm chẳng hiểu mô tê gì về giá trị của đồ vật cả. Kiếp Bờm nghèo xác xơ chỉ có cái quạt mo, đầu óc lại ngô nghê đến nỗi nổi danh Bờm thì biết gì, thiết gì đến những thứ xa xôi ấy. Vậy nên chỉ nghe "xôi" là thấy quen tai , là thứ bọn trẻ nhà nghèo thèm rỏ dãi, nhất là khi đói bụng, nên Bờm "cười".
Phú ông đã bắt đầu cuộc mặc cả từ những thứ nghe to tát vì lão định bịp trẻ con. Và Bờm cứ nguây nguẩy từ chối chẳng phải là Bờm quá khôn, quá hiểu Phú Ông đâu, chẳng qua là Bờm chẳng hiểu mô tê gì về giá trị của đồ vật cả. Kiếp Bờm nghèo xác xơ chỉ có cái quạt mo, đầu óc lại ngô nghê đến nỗi nổi danh Bờm thì biết gì, thiết gì đến những thứ xa xôi ấy. Vậy nên chỉ nghe "xôi" là thấy quen tai , là thứ bọn trẻ nhà nghèo thèm rỏ dãi, nhất là khi đói bụng, nên Bờm "cười".
Bờm
thắng ư? Chả chắc. Ai dám quả quyết lão phú ông lấy quạt rồi sẽ cho Bờm
nắm xôi? Nhưng quả là rủi ro từ cú đổi quạt lấy xôi sẽ ít hơn so với những thứ giá trị mà Phú ông gạ gẫm trước đó.
Nghe Bờm lần lượt từ chối những vật giá trị mà cả đời người nông dân nằm
mơ không có, người ta thấy Bờm dại ( nếu Bờm từ chối do khôn ngoan thì
còn gì trào lộng nữa). Đến khi Bờm đồng ý xôi , người ta cười rộ lên:
"Đúng là Bờm, cái quý hơn thì không lấy...".
Nhưng
chính cái ngố dại ấy lại giúp Bờm thoát không bị phú ông lừa. Nếu đồng ý
sớm, chắc chắn phú ông sẽ không đời nào thực hiện một cuộc đổi chác
chênh lệch thế. Nhưng nắm xôi thì có thể lão sẽ đưa thôi: dại gì vì một
nắm xôi cỏn con mà mang tiếng đi lừa thằng bé!
Dân gian thêu dệt đủ thứ chuyện hài hước về các nhân vật thật thà mà ngốc nghếch của mình, nhưng chủ yếu để thư giãn cho vui chứ không cười cợt chế giễu. Những nhân vật này luôn được mến thương và dành cho một kết thúc có hậu : chàng Ngốc hành động theo cách ngố nhưng nhân hậu của mình mà được vợ đẹp, thậm chí lên ngôi vua. Bờm thì không tham lam mà may còn có xôi ăn. Với cậu bé nhà quê xưa thì xôi là nhất rồi. Ngố thường gặp may. Hay như bọn tôi thường đùa nhau: " Trời thương thằng ngố".
"Thằng Bờm" là một bài đồng dao. Đồng dao được đặt ra thường cho trẻ em hát nghêu ngao, nhiều khi chỉ để vui. Đôi khi là của một cao nhân nào đó đặt ra để ẩn chứa một lời sấm ký. Tôi chưa thấy ai nói bài "thằng Bờm" có ẩn chứa lời sấm truyền nào, vậy có lẽ "vui là chính". Và tôi không nghĩ người nông dân vốn đơn giản lại có những ẩn ý gì quá phức tạp trong bài này. Nếu chúng ta phân tích bài này theo chiều hướng quá nâng cao tài trí của người nông dân là chúng ta đã đánh mất chất đơn giản nông dân ấy, Bờm cũng mất đi chất "Bờm" . Bờm mà khôn ngoan thì còn đâu là Bờm nữa! Bờm đơn giản, vô tư và ngây ngô lắm, không biết gì những thứ cao xa đâu, cứ "nắm xôi" là được. Vì thế, Bờm cười là cười xoà đồng ý đấy, không dám cười với "nụ cười nước đôi bản lĩnh" đâu. Trẻ con nông thôn xưa, đứa nào chẳng thích xôi. Như vậy, Bờm thoát hiểm bằng chính cái ngố của mình và phú ông đã thua những cái ngố ấy. Bờm được nắm xôi là lên đến đỉnh hạnh phúc, như chàng Ngốc bằng cái ngố nhân hậu của mình mà vượt nhiều tai nạn, cạm bẫy để cuối cùng lên ngôi vua. Thắng bằng cái ngờ nghệch mới sướng và buồn cười, chứ thằng bằng trí khôn thì có gì buồn cười? Bờm hay và đáng yêu là ở đấy.
Nếu có ý tưởng lớn lao hơn, chắc người đặt ra bài đồng dao này chỉ muốn nhắn gửi rằng "tham thì thâm" và "nên thực tế"- đừng mơ tưởng viển vông, phải có cái mà ăn đã, có thực mới vực được đạo. Một triết lý đậm chất nông dân Việt Nam. Đó là cách "học khôn từ ngố" mà ta thường thấy ở các tác phẩm hài hước dân gian.
Và cũng là để trêu trọc cánh nhà giàu: nếu bọn trẻ cứ nghêu ngao bài này ngoài đường khi thấy bóng dáng phú ông, chắc lão ta tức muốn chết : không lừa nổi thằng bé ngố như Bờm thì đừng hòng qua mặt được ai!
Chắc
không nhiều người đồng tình với cách nghĩ của tôi, nhưng mọi người có thấy bây
giờ hay có quán cafe "Thằng Bờm" không? Nghe tên là đã tủm
tỉm cười thư giãn... Thực tình tôi chỉ mong các học giả đừng lấy đi tính
trào lộng của bài đồng dao để đọc xong có thể òa lên cười như ngày thơ trẻ....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét