Có
đôi lúc tôi cũng định viết hồi ký để chia sẻ cùng bạn bè về những kỷ
niệm xưa, cũng là để cho các con mình sau này biết thêm về một thời đã
qua của bố mẹ . Nhưng nhớ đến lời thầy giáo tôi ( thầy Trần Công
Trường) bảo " khi viết hồi ký là lúc người ta đã già " nên tôi lại trùng trình, sợ mình già sớm!
Sau
ngày bố mất, tôi lang thang trên mạng tìm những tấm ảnh về miền chôn
rau cắt rốn của mình. Chỉ là những tấm ảnh thôi mà khơi dậy cả một trời
kỷ niệm! Và nếu phải bắt đầu cuốn hồi ký của mình thì tôi sẽ bắt đầu
từ hai tấm ảnh dưới đây.
Đình Vĩnh Trường
Đó là những tấm ảnh về đình Vĩnh Trường, nơi gia đình tôi sơ tán vào khoảng những năm 67-68. Nhà tôi ở cách ngôi đình này chừng vài trăm mét.
Khi ấy, gần như tối nào tôi cũng khóc rà rã trước khi ngủ. Mỗi khi khóc, tôi thường gọi : "Anh Ích ơi, anh Ích ơi!".
Anh Ích ở gần nhà tôi, thường sang nhà tôi chơi và kiệu tôi trên vai đi
long rong dọc bờ kênh. Không biết vì trẻ con thích đi chơi rong hay
vì cảm nhận lòng thương yêu của anh nên cứ khi được anh bế là tôi nín
liền. Vì thế, cứ mỗi khi tôi khóc có nguy cơ dỗ không nín là bố mẹ tôi
lập tức sang tìm anh.
Một tối, khi chị tôi đang cố ru tôi ngủ thì nghe loáng thoáng tiếng chị Nga hàng xóm (con nhà phở Đán): "Yến ơi, ra sân đình tập xe đạp đi" . Chị tôi trả lời: "Suỵt, để em tao ngủ đã".
Vừa chập chờn thiếp đi thì nghe tiếng cửa liếp lạch cạch, nhưng khi tôi bắt đầu khóc toáng lên : "anh Ích ơi"
thì chị tôi đã đi khỏi rồi. Khóc được một lát, tôi lại nghe tiếng cửa
liếp lạch cạch, nhưng không phải chị tôi quay về mà là chính là người
tôi đang rền rĩ gọi tên: anh Ích.
Anh bế tôi đi dọc bờ kênh nhỏ về phía đình Vĩnh Trường. Khi đi ngang qua cổng đình, anh chỉ vào sân: "Chị em đang tập xe đạp trong sân kìa". Dưới trăng mờ, tôi thấy thấp thoáng chị tôi đang lượn vòng trên chiếc xe đạp nhỏ, có một chị chạy theo giữ tay lái.
Nhưng
anh Ích không ghé vào đình mà bế tôi đi tiếp. Đến một đoạn đường vắng
có những gò mả lô nhô trên đồng, anh đặt tôi xuống và dặn: "em đứng đây chờ anh vào nhà anh bạn một lát".
Đứng
một mình, tôi cảm thấy sờ sợ trước những con đóm đóm cứ lập lòe trên
các ngôi mộ .... Tôi quyết định chạy ngược lại phía đình tìm chị. Ai ngờ
sân đình vắng tanh: mọi người đã về cả. Tôi bèn chạy ngược lại nơi
anh Ích vừa dẫn tôi đến. Nhưng không hiểu sao mà tôi không tìm thấy chỗ
đó nữa. Tôi cứ chạy và khóc cho đến khi gặp anh Ích đang cuống cuồng
đi tìm tôi...Anh ôm choàng lấy tôi để sưởi ấm cho tôi khi ấy đã cóng
lạnh dưới sương đêm.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua vậy mà trong những tấm ảnh tôi tìm thấy (đề chụp năm 2011), cảnh chùa gần như vẫn còn nguyên vẹn theo ký ức tuổi thơ: vẫn con đường đó, sân đình đó....
Thỉnh
thoảng, gia đình tôi vẫn ôn lại những kỷ niệm về anh Ích. Sau ngày sơ
tán, chúng tôi không biết anh ra sao. Tôi vẫn nghĩ: có gặp lại chưa
chắc anh đã nhớ mình.
Vào dịp giỗ 49 ngày của bố tôi, tôi có kể cho anh họ tôi nghe về câu chuyện của thời xa xăm ấy.
Anh họ tôi- một cựu học sinh trường cấp III Mỹ Lộc, Nam Định- chăm chú lắng nghe rồi bất ngờ hỏi: "Anh Ích ấy họ gì?" Làm sao mà tôi biết được khi tôi mới chừng 3 tuổi?!
Nhưng câu hỏi tiếp theo làm tôi thột dạ: "Có phải nhà anh ấy ở trên kênh Vĩnh Trường không" . Đúng
thế. Tôi vẫn lờ mờ nhớ về căn nhà tre nhỏ bé ấy. Một lần, bố tôi mua
một chiếc đèn xếp bằng giấy màu xanh đỏ cho cậu em mới sinh (1967).
Đến lúc em ngủ, tôi cầm đèn chạy ra bờ mương. Chị Nga khi đó đang ngồi
rửa bát trên cầu gọi: cho chị xem với. Khi chúng tôi đang truyền tay
nhau, một cơn gió ào qua thổi chiếc đèn rớt xuống mương. Anh Ích đã đến
vớt chiếc đèn đem về nhà phơi khô. Khi ấy tôi đã có dịp ở trong nhà
anh và loáng thoáng nhớ về một tấm phản, những vách tre, một cái phích
nước màu đỏ....
Anh tôi bảo: thế thì có thể đó là anh Chung Quang Ích, học cùng lớp với
anh, cũng là một cây chuyên văn của trường Mỹ Lộc. Rồi anh cho tôi một
số điện thoại để gọi thử. Và ngay lập tức, chúng tôi đã nhận ra nhau.
Sau gần nửa thế kỷ mới gặp lại, anh (thứ hai từ trái sang)
trẻ hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Những mô tả của tôi về hình
ảnh thôn Vĩnh Trường xưa làm anh rất ngạc nhiên: khi ấy em còn bé thế
mà nhớ chính xác thật!
Thế
rồi năm nay tôi cũng có dịp về thăm lại Vĩnh Trường. Cái cảm giác được
bước lại trên con đường tuổi thơ làm ta thật bồi hồi. Kia là những
khóm chuối mọc trên dòng kênh năm xưa. Gần chỗ xe tải đậu từng có một
cây bàng lớn nơi bọn trẻ con thường tụ tập chơi trò bắn gạch đá từ một
thanh nứa uốn cong, trước khi bắn thì hét vang: "cun cút bay xa về nhà
nhắm rượu". Nhà tôi từng ở đâu đó khúc này phía đối diện...
Chiếc
cầu gạch nối sang đình năm xưa không còn nữa, nhưng vẫn còn đó cây đa
cổ thụ ngày nào đã từng khiến chị em tôi mỗi tối đi qua phải chạy vùn
vụt vì sợ ma... Cũng có những thay đổi làm ta ngậm ngùi: những khẩu hiệu
chằng chịt trên tường và dòng chữ "NHÀ VĂN HÓA...."!
Ngẫm
lại mới thấy cuộc đời như một cuốn phim. Tôi cũng nổi tiếng (với vợ)
là người đãng trí, thế mà có biết bao nhiêu chuyện lặt vặt từ thời thơ
bé đã găm chặt vào bộ nhớ, chẳng thể nào phai nhòa. Kể ra đây thì nhiều
lắm, nhưng thôi để dành viết hồi ký lúc về già mới kể...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét