Phần 1: Thác Bản Giốc
Chập choạng tối, xe chúng tôi bắt đầu rời Hà Nội để len lỏi
theo quốc lộ 3 nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo và hut hút trong sương đêm. Thật tiếc vì
trời tối thui nên chẳng thể ngắm đồng quê đồi núi ven đường. Ngủ có lẽ là giải pháp tốt nhất để tránh phải
thót tim với những khúc cua gấp zic zac nơi sườn đèo. Nhưng ngủ cũng không dễ khi người cứ bị giật
liên hồi như điệu twist vậy.
Trên
đường băng qua Bắc Cạn, chúng tôi ngạc nhiên vì nhà cửa, hàng quán về
đêm không đóng cửa, mà cũng chẳng có người coi, xe máy thì thấy vứt bên
lề đường. Không biết vì an ninh ở đây tốt hay có trộm cắp cũng khó thoát
trên con đường đèo độc đạo?
Nửa đêm, xe dừng lại trên đèo Gió, điểm cao nhất của Bắc Cạn. Tôi thích thú được thưởng thức lại hương vị đậm chát của trái mắc coọc sau bao năm, còn những người bạn miền Nam đi cùng mãi mới nghe ra cái
tên kỳ quặc này. Mắc- coọc cũng từa tựa lê, nhưng có cảm tưởng như lê rừng vậy.
Buổi sáng ở thị xã Cao Bằng thanh bình, êm ả. Sau khi điểm
tâm với món đặc sản là bánh cuốn nóng cuốn trứng thả vào nước hầm xương, xe chúng tôi hướng
về biên giới Việt Trung.
Trong gập ghềnh đường đèo chênh vênh xuyên qua rừng núi âm
u trập trùng, tôi như vẳng nghe câu ca dao xưa ngậm ngùi về thân phận của
người lính thú nơi biên ải:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao bằng
Bây
giờ có đường nhựa, lại đi xe hơi thế này mà còn thấy thăm thẳm, mịt
mùng, người xưa chắc đã cất lên câu ca não nùng "nước non Cao Bằng"
này trong buổi chia ly với một nỗi niềm nghẹn ngào lắm. Đi rồi chắc
khó có ngày về...
Phải chăng chốn thâm sơn cùng cốc thường là kỳ vĩ?!
Chẳng biết có nên viết là bản Dốc không vì muốn đến thác thì
phải xuống một con dốc. Thực ra cũng không thấy bản ở đó, chỉ thấy một cái
biển to đón chào, một cái quầy thu tiền vé và một cái shop bán hàng...Tàu. Anh bạn tôi đã
từng đến đây nên có kinh nghiệm: phải mua nón đội chứ không sẽ nắng lắm đấy. Tưởng nón Chúp đóp chính hiệu của người Tày, nhưng dọc đường đi nghe dân địa phương nói đó cũng là hàng
Tàu.
Đội cái nón Tàu chông chênh liếc sang biên giới Tàu thấy cái cổng "Thiên Triều uy nghi":
Ngượng nghịu hướng máy ảnh về nơi đất mình mà thấy ...ngượng nghịu và nghèn nghẹn...
Chỉ
bớt đi một chút hoang phí là đủ tiền làm cho điểm du lịch nổi danh nơi
địa đầu Tổ quốc này những ki-ốt chắc chắn hay ít ra cũng là những quán
tre duyên dáng hơn những túp lều lụp xụp này để đón chào du khách thập
phương. Rừng núi bạt ngàn tre nứa, vậy mà chẳng thể tìm thấy một sản
phẩm thủ công địa phương nào là đồ lưu niệm gợi nhớ Cao Bằng. Không thấy
trên các sạp hàng có bóng dáng cây đàn tính, một nếp nhà sàn nhỏ nhắn
hay những búp bê người dân tộc, gần như tất cả là hàng Tàu...
Chỉ
có thiên nhiên hào phóng có thể bù đắp những ấm ức tinh thần. Bỏ lại
sau lưng những quán xá xô bồ, tôi đứng chết lặng trước bức tranh thiên
nhiên hùng vĩ.
Cánh
đồng lúa xanh ngắt ven chân thác như một lời khẳng định ngọt ngào: Trời
xanh đây là của chúng ta, đất nước đây là của chúng ta! Mong cho lúa sẽ
còn mãi ở nơi này.
Cánh
đồng lúa ấy cũng là nét làm tôi cảm nhận thác Bản Giốc khác với những
ngọn thác Tây Nguyên mà tôi đã gặp. Giá như tôi có thời gian trở lại
nơi đây vào mùa lúa chín vàng....
Trên dòng sông xanh ngắt, hiền hòa dưới chân thác, tấp nập những bè mảng như du thuyền đưa khách sang sông. Thế này là vượt biên đấy nhỉ!
Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy mèo cũng mang !
Hổng biết anh bạn mũ đỏ đang chăm chú nhìn gì trên sông?
Khi
những tia nước từ dòng cao rơi xuống, văng lên không trung rồi phả vào
mặt người làm dịu bớt cái nắng gay gắt ban trưa, tôi đứng và thầm thì :
thác Bản Giốc ơi, thế là cuối cùng ta đã đến....(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét