Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

NGÀY THẢM HỌA

26-4- 1986. Một ngày chủ nhật.
Khoảng 4g30 sáng, tôi thức giấc bởi tiếng loa gắn trong hệ thống tường ký túc xá thông báo về việc nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Rồi bồn chồn không ngủ tiếp được. Đã từng biết đến bệnh máu trắng do nhiễm xạ hạt nhân qua phim" Matxcova- tình yêu của tôi" và câu chuyện cô bé Sadako với những con hạc giấy ...nên tôi không thể không âu lo.
 alt
                        hoa bồ công anh
Lúc ấy chúng tôi mới yêu nhau được chừng hai tuần. Mới chiều qua, hai đứa còn đứng bên bìa rừng ngắt hoa bồ công anh thổi một hơi sao cho những lông tơ trắng bay hết, mong cho những ước mơ yên bình thành hiện thực.
Sáng ngày 26.4 ấy, thật tình cờ, trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Makarenko của chúng tôi tổ chức một cuộc tham quan chiến hào phòng thủ sông Đnhép trong cuộc chiến với phát xít Đức. Để đến tham quan nơi này, phải đi về hướng Chernobyl. Kiev cách Chernobyl 140 km, và điểm tham quan chỉ còn cách Chernobyl 20km mà thôi. Tôi cố gắng thuyết phục các bạn ở lại, nhưng các bạn không nói gì. Vài bạn còn nhếch mép cười như cho rằng tôi nhát gan. Người yêu tôi thì cũng muốn nghe tôi, nhưng không dám quyết định: Mai là bí thư đoàn của lớp.
Trên đường đến trường, chúng tôi thấy người Nga nháo nhác, xì xào: có một số người đã tìm lý do để tạm rời xa Chernobyl, càng xa càng tốt - nghỉ phép hay đi công tác về hướng xa với Chernobyl. Đã bắt đầu thời kỳ cải tổ, nhưng khi ấy người ta còn chưa dám mạnh dạn nói về nỗi kinh hoàng hạt nhân. Đài báo luôn ra rả đưa tin khuyến cáo các công dân hãy bình tâm, không được dao động, không có ảnh hưởng gì lớn cả.. Tỏ ra sợ sệt rất dễ bị phê phán, chụp mũ.
Khi tập trung tại trường học, tôi lên tiếng đề nghị cô giáo dạy văn Nasko, người phụ trách cuộc tham quan hôm đó, hoãn chuyến đi này. Cô giáo Nasko, vốn đã nổi tiếng khó tính- không hiểu từ trước hay sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, nhìn tôi đầy khó chịu: "Em tưởng dân Việt Nam không nhiễm xạ từ Hirosima và Nagasaki rồi hay sao?".
Thế là tôi đành phải đi, chẳng lẽ lại để người yêu đi một mình.
Đi được khoảng 90km thì xe bị một barrier chặn lại. Tôi đã thầm mừng. Các giáo viên Nga xuống giải thích: đây là đoàn tham quan của sinh viên Việt Nam, hiệu trưởng đã ký lệnh rồi nên không thể hoãn lại. Sau một hồi tranh luận, barrier nhấc lên: xe đi tiếp trong nỗi thất vọng tràn trề của tôi.
Khi xe đến nơi, tôi thuyết phục được một số bạn học cùng lớp ở lại xe. Thật may là các thầy cô giáo Nga cũng không phàn nàn gì về quyết định này. Số đông xuống xe đi thăm khu di tích.
Sau khi họ đi được chừng 5 phút, trời bỗng nhiên trở lạnh. Rồi gió nổi lên, đưa cát đập rào rào vào cửa kính ô tô. Bác lái xe bật lò sưởi mà vẫn lạnh. Chúng tôi ngồi sát bên nhau để tăng hơi ấm và lấy khăn mùi xoa che kín mũi để tránh cát. Nhìn ra bên ngoài chỉ thấy đất trời tối đen và quay cuồng trong cát bụi.
Chừng một tiếng sau, các bạn tôi trở về, tóc tai rối mù, mặt mũi tím tái. Vừa chia tay đó mà giờ gặp lại nhau đã reo lên như vừa từ cõi chết trở về. Họ nói đã lần mò đường đi trong bão cát, bụi mù mịt nên cũng chẳng tham quan được gì. Nghe nói, sáng hôm sau, có vài người mang chiếc áo khoác đi đo độ nhiễm xạ và tất cả đều vượt quá giới hạn cho phép.
Vào thời điểm ấy có một cuộc đua xe đạp quốc tế ở Kiev, nhưng do nhiều vận động viên quốc tế bỏ cuộc vì e ngại phóng xạ nên cuộc thi chỉ lèo tèo vài người tham gia.
Sau vụ nổ hơn một tuần, các bạn tôi nhận được thư nhà. Đọc thư, biết  bố mẹ ở nhà đang vô cùng lo lắng, các bạn mới gặp tôi và bảo: sao cậu biết mà đề phòng thế, chúng tớ chẳng biết gì cả...
Đang vào mùa những cây dương và bồ công anh phát tán, muôn ngàn bông nhỏ li ti bay trắng xóa không gian. Nhưng giờ đây,  chúng tôi không còn thấy màu trắng ấy lãng mạn như giấc mơ hôm qua bên nhau thổi  bồ công anh. Một màu trắng đến gai người. Chúng tôi khép kín cửa sổ, cố gắng hạn chế  ra ngoài để tránh bụi. Trong lúc ngoài đường phố, các xe phun nước liên tục hoạt động để giảm bớt bụi.
Nỗi ám ảnh phóng xạ cứ theo đuổi chúng tôi mãi, dù rằng đến nay chúng tôi đều đã thở phào sau khi biết gần như tất cả các thành viên chuyến tham quan hôm ấy đều đã sinh con an toàn. Nghĩ lại, có lẽ là do khi thảm họa xảy ra gió đã đổi chiều không thổi về Kiev.  Nghe nói, một số người ở vùng bị nhiễm xạ đã bị trụi cả râu tóc.
Sau này, khi làm phiên dịch ở thành phố Iaroslav, tôi được chứng kiến một chiến dịch tranh cử căng thẳng ở địa phương. Kết cục, người chiến thắng là người đưa ra tuyên bố: nếu thắng cử, tôi sẽ cho dừng việc xây nhà máy điện nguyên tử nơi thượng nguồn sông Volga- đoạn chảy qua Iaroslav.  Tôi nghiệm ra rằng, càng văn minh, con người càng trân trọng cuộc sống hơn. Thà là bớt đi một chút tiện nghi còn hơn phải sống trong lo âu, sợ hãi. Công nghệ hiện đại, chính xác, trung thực, kỷ luật cao như người Đức mà còn đành phải nói chia tay với điện hạt nhân, huống chi dân mình còn cẩu thả, luộm thuộm chưa biết đến bao giờ...
Những năm 2002-2003, tôi có dịp đi ngang qua Chernobyl. Khu vực nhà máy và thành phố chìm trong hoang tàn, tất nhiên không đến độ như những lời đồn đại.  Loáng thoáng đâu đó vẫn còn có màu xanh cỏ cây và một vài dấu hiệu cho thấy sự sống từng tồn tại ở nơi này trước ngày thảm họa.
alt
(Lưu Minh Phương - 25/4/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét