Từ biệt nhé, tuổi thơ ơi
Xin chào từ giã một thời yêu thương!
Xin chào từ giã một thời yêu thương!
Đây là tấm ảnh "buổi họp mặt cuối cùng"
của lớp 12 chuyên văn trường Lê Hồng Phong, Nam Định khóa 80-83. Tôi,
khi đó là cậu học sinh gầy gò và nghịch ngợm đang ngồi cuối lớp, bên tay
phải của thầy chủ nhiệm. Bạn- chắc là để làm đẹp chăng (?) đã không đeo
cặp kính cận như thường lệ- là nam sinh thứ 5 tính từ bên trái của
thầy.
Vậy
đó, đã gần 30 năm trôi qua, bạn bè mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người một số
phận. Có ai ngờ vòng xoáy cuộc đời đã đưa chàng Đờ Cát lãng tử ngày nào
trôi dạt từ miền quê chiêm trũng xác xơ đến chốn đại ngàn hoang vu, xa
lạ. Hãy thông cảm cho mình nhé, Cát ơi, mãi đến hôm nay mình mới mỏi mệt
thoát ra cái vòng xoáy ấy của cuộc đời để lết thết một ngày đường lên
Đak Nông tìm bạn. Thế là " chim Kơ Tia bay tới, nghiêng cánh chào...Đak Nông"!
Có ai ngờ hai cậu học trò Nam Định gầy teo tóc ngày xưa, ba mươi năm sau lại bệ vệ bên nhau giữa chốn rừng xanh, bên cạnh dòng thác đã gần như đã "khô dòng lệ chờ mong tháng ngày", nhưng chẳng phải vì chờ mong tôi mà vì đập thủy điện đã ngăn sông làm thác không còn nhiều nước.Cứ tình hình thủy điện mọc tràn lan như bây giờ, các dòng thác Việt Nam rồi cũng ...thác oan!
Quả đời người như cánh chim, mới đây thôi còn chơi vơi giữa sông nước Cần Thơ, lãng đãng với phù sa sông Tiền, giờ đã cùng bạn xưa len lỏi chốn rừng sâu tĩnh lặng...
cùng chiêm ngưỡng những vũ điệu cây lá ...
nghe róc rách suối thầm thì....
ngắm bằng lăng tím nở ngút ngát tầng cao trong râm ran tiếng ve trưa...
Và ngất ngây trước những lối đi phủ đầy lá rụng...
Ngắm những bậc thang vương đầy lá rụng này, tôi miên man nhớ đến bài thơ "Mùa lá rụng" của Olga Berggoltz . Ở Matxcova, vào mùa lá rụng thường có những tấm biển cảnh báo: "Cẩn trọng, lá rụng"
để nhắc nhở đề phòng trượt chân vấp ngã. Olga đến Matxcova gặp người
yêu, nhưng rồi ra về trong thất vọng nên thấy những tấm biển kia còn
như một lời nhắc nhở sự cẩn trọng trên bước đường đời. Nhưng Bằng Việt
lại dịch là "Tránh đụng vào cây mùa lá rụng". Tiếc là
những bản dịch quá phóng tác của Bằng Việt đã đi vào lòng người, nhưng
cũng chỉ là những người không biết tiếng Nga thôi.
Nhưng
bội bạc, trượt ngã, có chăng cũng là chuyện của người. Còn ở chốn đại
ngàn này, cây cối vẫn trọn đời gắn bó bên nhau như cặp vợ chồng thủy
chung cùng nhau chờ mưa đón nắng...
bên những chứng nhân đã một đời cổ thụ bao năm bền bỉ chốn rừng xanh....
Chúng tôi bước trên đá ướt lạnh chân ven suối...
chầm chậm men theo bờ sông Sê-rê-pốc mướt xanh và dịu êm như một bản sonat
băng qua chiếc cầu dây vắt vẻo nối đôi bờ
đứng trên cầu bập bềnh ngắm nhìn toàn cảnh thác Vợ( Dray Nur)...
Tôi thắc mắc: có mâu thuẫn không khi có một số trang web cho rằng thác Vợ này còn có tên là thác Trinh Nữ và nghe bạn giải thích rằng Trinh Nữ là tên một thác khác ở gần đó.
Cách
đó không xa là thác Chồng, vẫn nằm đó từ bao năm chung thủy. Hơi tiếc
là hôm nay không được thấy khói bốc lên lãng đãng như tên gọi Dray Sap
(thác khói- theo tiếng Ê-đê). Có lẽ vừa đang là mùa khô, vừa do thác đã
bị ngăn rồi nên ít nước, không còn nhiều khói sương như trước.
Sau
một buổi sáng sương mây âm u, mặt trời đã le lói trên cao như để động
viên chúng tôi đi tiếp vào rừng sâu. Từ đây đến thác Gia Long còn chừng
10 cây số.
Nghe
nói 10 cây số đường rừng thì có vẻ khủng khiếp, nhưng thực ra chỉ là 10
phút honda rong ruổi trên con đường nhựa vắng bóng người. Bóng thú thì
không vắng nhé, thỉnh thoảng vẫn còn có những con sóc, con chồn vọt
ngang đường. Gặp người thì chắc là tôi cũng chẳng chúc bình an đâu,
nhưng gặp thú bây giờ, tôi lại luôn cầu nguyện bình an cho chúng.. Chẳng
thế mà trước lúc lên đây tôi là "rào" trước thằng bạn: ẩm thực theo
kiểu cây nhà lá rừng nhé, rưng không bao gồm thịt rừng!
Dưới
nắng vàng, nước sông như xanh hơn. Cứ ngăn ngắt một màu xanh như chỉ
có những khúc sông giữa rừng mới xanh ngất ngây đến thế.
Dòng
sông vào mùa khô trông như một con suối nhỏ hiền hòa. Kể cũng hay, đi
chơi vào mùa mưa thì thác sẽ hùng vĩ hơn, nhưng chắc sẽ không được thấy
hai bờ đá nhấp nhô thơ mộng thế này.
Từ
bờ suối, chúng tôi nhìn thấy thác Gia Long thấp thoáng dưới chân đồi.
Tên thác Gia Long là do vua Bảo Đại đặt khi vãn cảnh nơi này. Không biết
cảm giác khi ấy của nhà vua có gì khác hơn so với những xao xuyến giờ
này của tôi không...
Hãy tưởng tượng giữa rừng núi đại ngàn ta bất chợt gặp một nét Hạ Long kỳ vĩ!
Dưới chân thác là những khối đá trông như những thân cây chất chồng lên nhau như minh chứng về bàn tay sắp đặt của tạo hóa.
Có
phiến đá mang hình một con cóc khổng lồ đang nằm gọi mưa về cho thác.
Và cạnh đó là một bàn thạch lớn, phải chăng là chỗ tiên nhân hạ giới
chơi cờ....
rồi
xuống tắm trong hồ nước xanh tinh khiết nơi chân thác...Nghe nói đây là
hồ tắm Tiên, nơi các tiên nữ thường trút bỏ xiêm y để trầm mình trong
làn nước mát lạnh. Vậy mà hôm nay nơi này vắng tanh!
Thực ra gần đó cũng có một người, nhưng là một ngư dân đang bơi thuyền đi bắt cá lăng, một đặc sản địa phương nổi tiếng.
Chúng
tôi leo lên đỉnh thác. Hãy tưởng tượng: thật hùng vĩ biết bao khi vào
mùa mưa, những dòng thác riêng rẽ này sẽ hòa nhập thành một bức tường
nước trắng xóa vĩ đại.
Ngay giữa đỉnh thác là một cây cổ thụ như một biểu tượng bám trụ kiên cường giữa dòng nước xoáy!
Cách
đó không xa, một chú voi đang đủng đỉnh uống nước nguồn. Thú thật là
khi viết những dòng này tôi mới thấy sờ sợ: hay là do tôi ghét nhậu với
thịt rừng chăng nên đã không bị loài vật thù dai này tấn công? Nếu có
cuộc tấn công, chắc chỉ còn biết thả mình rơi theo dòng thác để rồi
...thác cùng thác. Và bạn đọc chắc chẳng còn được đọc những dòng này!
Có
lẽ lúc ấy, cảnh đẹp và sự hiền hòa của thiên nhiên đã làm ta quên đi
bản năng đề phòng vốn có nơi xã hội loài người. Tôi đứng lặng mà nghe
hương nước đại ngàn réo rắt.
Ánh
chiều vừa như lưu luyến, vừa như nhắc nhở chúng tôi đã đến lúc quay về.
Và trong ánh chiều tà nơi đại ngàn hùng vĩ ấy, tôi xúc động nhận ra
những bóng cây Kơ nia, biểu tượng của Tây Nguyên, nổi sậm trên sườn đồi.
Chợt trong lòng vang ngân câu hát: Buổi chiều mẹ lên rẫy, thấy bóng cây Kơ nia/ bóng tròn che lưng mẹ, về nhớ anh mẹ khóc.
Tôi cũng có ý lần chần xem có gặp một cô thôn nữ nào trên rẫy không để chụp một kiểu hình minh họa câu hát "bóng ngả che ngực em", nhưng xem ra chỉ có một chú bù nhìn đang phập phờn trong gió! Các thôn nữ đâu cả?
À,
thì ra, "buổi sáng em làm rẫy", còn giờ này em đang chơi bóng chuyền
rồi. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đi qua nhiều thôn nghèo mà thấy cảnh rất
nhiều thôn nữ chơi bóng chuyền. Hèn chi, mỗi lần có giải bóng chuyền nữ
VTV tổ chức ở Buôn Mê, khán phòng đều chật ních !
Thỉnh
thoảng lại gặp những đám lục bình bình yên giữa đá, tưởng chừng được đá
chở che chứ không phải lênh đênh như lục bình nơi sông nước miền Tây.
Nhưng ai đâu biết mai này nước dâng, lục bình lại theo dòng trôi dạt...
Thôi thì được đến đâu biết đến đấy...
Thế
nhé, Cát ơi, bạn hãy cứ lạc quan, sôi nổi như bây giờ, như những cô
thôn nữ Daksor chiều chiều đánh bóng chuyền dưới đường điện 500 KV mà
không biết sợ! Bạn có quyền yêu và tự hào về một miền đất Dak Nông đẹp
hoang sơ, thơ mộng. Đời người dù có như những đám lục bình dạt trôi vô
định thì cũng có ngày chúng ta lại gặp nhau như hôm nay trong hương nước
đại ngàn...
24.03.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét